Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13

Thứ sáu - 05/11/2021 18:00 1.743 0

Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13

BÁO CÁO

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13

 

 


Theo Công văn số 788/BKHĐT-QLĐT ngày 09/02/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh báo cáo như sau:

I. Tình hình triển khai thực hiện Luật đấu thầu:

1. Tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu kể từ khi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thi hành.

Từ khi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực (ngày 01/7/2014) đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành 13 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, các thông tư và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các chủ đầu tư trên địa bàn Tỉnh để thực hiện. Danh mục các văn bản hướng dẫn được ban hành cụ thể theo Phụ lục đính kèm.

Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các Thông tư, chỉ thị về đấu thầu. Cách thức phổ biến, quán triệt:

- Ngay sau khi nhận được các Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, UBND tỉnh đã kịp thời có văn bản gửi đến các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai đến các đơn vị, cá nhân có liên quan, đồng thời giao nhiệm vụ cho sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp triển khai thực hiện.

- Phổ biến, quán triệt kịp thời các vướng mắc tại các cuộc họp giao ban XDCB hàng tháng của tỉnh;

- Trực tiếp giải đáp các thắc mắc qua điện thoại, đường văn thư,…

- Hướng dẫn thủ tục đấu thầu cho chủ đầu tư lồng ghép vào công tác kiểm tra báo cáo giám sát đánh giá đầu tư, qua làm việc với các đơn vị.

Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện nên có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng công trình cũng như rút ngắn thời gian thi công, đồng thời bên mời thầu cũng thể hiện được trách nhiệm, vai trò của mình trong việc lựa chọn nhà thầu.

2. Tình hình thực hiện công tác đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ năm 2016 đến nay.

Từ năm 2016 cho đến năm 2020, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu cho tổng số 13.237 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 với tổng giá trị các gói thầu là 13.996.743 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 13.226.644 triệu đồng, tiết kiệm 770.099 triệu đồng, tương đương 6% (chi tiết phụ lục đính kèm).

3. Tình hình thực hiện công tác đấu thầu qua mạng:

Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đã được quy định tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính và Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 thay thế Thông tư số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 về việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản số 545/UBND-KTN ngày 18/3/2017 và số 908/UBND-KTN ngày 18/4/2018 yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nghiêm túc triển khai thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng đúng theo quy định.

Kết quả tình hình thực hiện đấu thầu qua mạng trong những năm qua có một số chuyển biến đáng kể: tính đến hết năm 2020, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 681 gói với tổng giá trị các gói thầu khoảng 6.836.032 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 6.457.032 triệu đồng, tiết kiệm 379.000 triệu đồng, tương đương 5,54%. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng vẫn chưa đạt so với lộ trình yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 và Nghị quyết  số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.

Sau 5 năm triển khai chính thức, đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn và vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, là công cụ hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.

Bên cạnh những đơn vị tích cực phấn đấu thực hiện đấu thầu qua mạng, đáp ứng chỉ tiêu theo lộ trình quy định, còn có một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác đấu thầu qua mạng. Đến thời điểm hiện tại và trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục, quyết liệt tham mưu UBND tỉnh có những chỉ đạo sát sao, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm để công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng lộ trình quy định và đảm bảo theo định hướng, sự chỉ đạo của Trung ương.

4. Thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân:

Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, là cơ sở pháp lý quan trọng và cao nhất trong hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam về đấu thầu cho đến nay. Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 thay thế Luật đấu thầu số 61/2005/QH11 đã góp phần nâng cao tính hiệu quả, công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đấu thầu.

Công tác triển khai thực hiện Luật đấu thầu năm 2013 đã được tiến hành kịp thời từ Trung ương đến địa phương; Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn, áp dụng, thực hiện tương đối đồng bộ, đồng thời, đã hoàn chỉnh các văn bản quy định chi tiết và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thi hành kịp thời.

Kết quả sau hơn 07 năm triển khai thực hiện kể từ thời điểm Luật đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành cho thấy, Luật Đấu thầu đã phát huy hiệu quả tạo ra một môi trường lành mạnh, công bằng và minh bạch trong đấu thầu, từ đó lựa chọn được những nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu với chi phí cạnh tranh. Song song đó, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng sẽ không bị bỏ lại phía sau, do Luật đấu thầu năm 2013 đã đưa ra điều khoản ưu đãi, tạo điều kiện ưu tiên nhất định về cấp doanh nghiệp dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và những doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện ưu đãi theo Luật định làm cơ sở nâng cao tính cạnh tranh để cùng phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 cũng còn một số khó khăn như sau:

+ Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ liên tục trong những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát để tham mưu UBND tỉnh có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, nhưng qua 5 năm liên tiếp công tác lựa chọn nhà thầu đấu thầu qua mạng của tỉnh không đạt được chỉ tiêu theo lộ trình quy định tại các Thông tư số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch Đầu tư về quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

+ Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện, hệ thống vẫn chưa được thực hiện rộng rãi, đa dạng trên các trình duyệt web, chỉ hỗ trợ trên trình duyệt Internet Explorer 9 trở về trước), cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực về CNTT ở các cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng.

+ Các gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng có số lượng nhà thầu tham gia dự thầu còn ít (nhiều gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia), chưa phát huy tốt nhất tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng. Đồng thời, có một số gói thầu nhỏ (giá trị gói thầu dưới 3 tỷ đồng), không có nhà thầu tham dự, phải hủy và tổ chức đấu thầu lại nhiều lần, đã ảnh hưởng đến tiến độ, cũng như thời gian thực hiện và tỷ lệ giải ngân dự án, tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu qua mạng các gói này chưa cao.

+ Truyền thông pháp luật về đấu thầu đã được các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương ngày càng chú trọng, quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhà thầu chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu, tiếp nhận thông tin cũng như chưa chủ động tham gia đấu thầu qua mạng.

+ Nội dung chương trình đào tạo về đấu thầu chưa đa dạng, chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, có rất ít các lớp đào tạo đấu thầu chuyên sâu phù hợp với từng đối tượng hoạt động đấu thầu cũng như từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể.

+ Hạ tầng kỹ thuật Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại được phát triển trên nền tảng công nghệ của Hệ thống KONEPS do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ từ năm 2009 nên người dùng còn gặp một số trở ngại khi thao tác trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như chỉ tương thích với trình duyệt Internet Explorer; chức năng tìm kiếm, khai thác thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn chưa tối ưu hóa và tiện lợi. 

+ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa áp dụng được với tất cả các loại hợp đồng, các gói thầu phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ, các gói thầu hỗn hợp và các gói thầu chia thành nhiều phần nên hạn chế các loại hình gói thầu tham gia.

+ Việc phân cấp mạnh cho Chủ đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ trong xây dựng cơ bản, tuy nhiên Chủ đầu tư ở tuyến huyện, xã có cán bộ còn mỏng và năng lực còn hạn chế không theo kịp với nhiệm vụ được giao, còn lúng túng trong khâu lập và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập và thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc giao quá nhiều quyền cho chủ đầu tư đôi khi dẫn đến khép kín trong đấu thầu, đấu thầu chỉ là hình thức, tỷ lệ giảm thầu giảm so với trước khi giao quyền cho chủ đầu tư, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, nhiều dự án chậm trễ không chất lượng, đơn vị quản lý chuyên môn về đấu thầu không thể chủ động nắm bắt được tình hình thực hiện đấu thầu của chủ đầu tư.

+ Công tác lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư chưa chặt chẽ, còn sai sót trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu dẫn đến kiến nghị trong đấu thầu.

+ Việc giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu còn chưa thỏa đáng dẫn đến kiến nghị kéo dài, phải thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

+ Xử phạt về đấu thầu chưa nghiêm minh, chế tài chưa đủ sức răn đe đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu: Hiện nay việc xử lý vi phạm được quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên mức phạt này chưa đủ mạnh, đặc biệt là chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc phát hiện và xử lý những sai phạm trong công tác đấu thầu của cá nhân, tổ chức vi phạm.

+ Đối với địa phương hầu hết là dự án nhóm C và Báo cáo kinh tế kỹ thuật, nên việc quy định gói thầu có quy mô nhỏ có giá trị 20 tỷ đồng là tương đối lớn có Phương thức lựa chọn nhà thầu là 01 giai đoạn, 01 túi hồ sơ chưa phù hợp, do trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu đã gặp nhiều nhiều khó khăn trong xét điều kiện năng lực, kinh nghiệm, vì phương thức lựa chọn này thiên về giá thấp nhất nên chủ yếu áp dụng cho phương pháp giá thấp nhất, phương pháp này chưa phản ánh rõ được năng lực của nhà thầu trung thầu.

+ Đối với hình thức hợp đồng: Việc quy định chi phí trượt giá, dự phòng là chưa rõ ràng, gây khó khăn trong công tác lập, đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu các chủ đầu tư trình không thống nhất, do thời gian thực hiện dự án và thời gian thực hiện hợp đồng khác nhau, đòi hỏi phải tính lại chi phí trượt giá này.

+ Về thời gian thực hiện hợp đồng: trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu chủ đầu tư cần căn cứ quy mô, tính chất để lập tiến độ bổ sung khi trình thẩm định kế hoạch, do nhiều gói thầu có quy mô, tính chất nhỏ hơn nhưng thời gian thực hiện hợp đồng là lớn hơn làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện xây dựng cơ bản chung của tỉnh, trong quá trình thẩm định không ràng buộc được, do Luật Đấu thầu không quy định. 

+ Bên cạnh đó hiện nay, đối với hoạt động đấu thầu, bên cạnh Luật Đấu thầu và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, trong đó tồn tại những khác biệt, cũng gây không ít khó khăn khi thực hiện như: Về hợp đồng, các gói thầu xây lắp và tư vấn khi lập HSMT đều theo mẫu quy định, trong đó có mẫu hợp đồng. Khi nhà thầu trúng thầu, các bên tiến hành ký hợp đồng phải theo mẫu đã được duyệt tại hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, trong hoạt động xây dựng, khi ký hợp đồng cũng phải tuân theo quy định tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng nên có sự khó khăn trong việc áp dụng mẫu hợp đồng.

II. Các nội dung cần sửa đổi, bổ sung:

- Việc sửa đổi tên Luật Đấu thầu thành Luật Mua sắm công cho phù hợp với thông lệ quốc tế và phạm vi điều chỉnh của Luật: Việc sửa đổi này chỉ phù hợp với những dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, không phù hợp với những dự án đầu tư sử dụng đất có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Do vậy, đề nghị xem xét, cân nhắc việc sửa đổi tên.

- Quy định về hạn mức gói thầu: Việc quy định gói thầu có quy mô nhỏ có giá trị 20 tỷ đồng là tương đối lớn. Do vậy, đề nghị sửa đổi quy định gói thầu có quy mô nhỏ có giá trị 10 tỷ đồng. Vì địa phương hầu hết là dự án nhóm C và Báo cáo kinh tế kỹ thuật.

- Quy định về hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu: sửa đổi hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu là không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công, mua sắm hàng hóa, mua thuốc, vật tư y tế và sản phẩm công; không quá 03 tỷ đồng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp. Do các gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị nhỏ có số lượng nhà thầu tham gia dự thầu còn ít (có 1 nhà thầu tham gia). Đồng thời, có một số gói thầu nhỏ (giá trị gói thầu dưới 3 tỷ đồng), không có nhà thầu tham dự, phải hủy và tổ chức đấu thầu lại nhiều lần, đã ảnh hưởng đến tiến độ thời gian thực hiện của dự án.

- Phân cấp khâu lập và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập và thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đến cấp huyện, không phân cấp đến cấp xã.

- Nhằm tránh tình trạng chỉ định thầu tràn lan đang diễn ra đáng lo ngại đối với các gói thầu không nằm trong các trường hợp như quy định tai Điều 22 của Luật đấu thầu 43/2013/QH13, tránh việc chia nhỏ các gói thầu để chỉ định cũng như tạo ra môi trường công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Do vậy, cần bổ sung quy định cụ thể trường hợp được phép chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường.

- Quy định về kỹ thuật đấu thầu: Đối với xây dựng HSMT/HSYC: "Đối với hàng hoá đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế…, trong HSMT/HSYC có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương." Bổ sung thêm định nghĩa hàng hoá đặc thù, phức tạp để bên mời thầu có căn cứ xác định hàng hoá đặc thù, phức tạp và áp dụng quy định hiệu quả hơn.


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay1,447
  • Tháng hiện tại28,711
  • Tổng lượt truy cập1,779,709
chuyển đổi số
văn bản pháp luật
góp ý dư thảo
Hệ thống tiếp nhận
cải cách thủ tục hành chính
Lấy ý kiến văn bản dự thảo
hỏi đáp
tuyên truyền phổ biến pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây