Câu chuyện “về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực"

Thứ năm - 26/09/2024 15:33 52 0
Câu chuyện “về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sử dụng biện pháp thanh tra và giới thiệu tấm gương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư”

I.  CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đứng đầu. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp pháp luật chưa theo kịp thực tiễn hoặc có hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng hoặc các tiêu chuẩn, định mức, chế độ, dẫn tới tâm lý “đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm, sợ trách nhiệm” trong khi thi hành công vụ, dẫn tới lãng phí tài nguyên, chậm triển khai nhiệm vụ, đề án, dự án làm mất cơ hội, dẫn đến kinh tế - xã hội của địa phương chậm phát triển

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cả nước nói chung và tại tỉnh Tây Ninh nói riêng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt theo đúng phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân. Những kết quả to lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, đã cho thấy quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân ta trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.    

II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực và coi đây là một trong những căn bệnh cần phòng, chống. Theo Người: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân… Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Do đó, bản chất của tham nhũng là xấu, là “trộm cướp”, lấy “của công” làm “của tư”; gian lận tham lam, không quý trọng của công, không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào, xương máu của chiến sĩ làm ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng biểu hiện trực tiếp của tham nhũng là ăn cắp của công hay của Nhân dân làm của tư. Cán bộ bớt xén, tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của công, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị mình cũng là tham nhũng. Mặt khác, tham nhũng cũng gắn với các biểu hiện tiêu cực, chẳng hạn như một cán bộ được Chính phủ và Nhân dân trả lương hàng tháng nhưng lại thiếu trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của Nhân dân, không làm tròn nhiệm vụ theo chức trách của mình: “Có người nói: không giữ quỹ, không giữ tiền, không có quyền thì là không tham ô. Cái nắm tiền, cái có quyền mà ăn cắp là trực tiếp. Còn gián tiếp như trên, sự thực cũng là tham ô”. Người cũng sớm nhận diện và căn dặn cán bộ, đảng viên cần phòng, chống những biểu hiện tiêu cực như: địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa,… Đó chính là những biểu hiện tiêu cực làm suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tha hóa đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả, cần phải tiêu diệt. Theo Người, tham nhũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng.

- Tham nhũng phá hoại đạo đức cách mạng, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ.

- Tham nhũng phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của Nhân dân một cách vô ích, có hại đến công việc cải thiện đời sống Nhân dân.

- Tham nhũng là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc ta; là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức để làm hỏng công cuộc kháng chiến, kiến quốc, gây ảnh hưởng xấu đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cản trở, phá hoại sự nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta.

III. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ SỬ DỤNG BIỆN PHÁP THANH TRA TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TIÊU CỰC

- Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới. Có thể nói, cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tai có sáng suốt thì người mới sáng suốt.

- Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ.

- Cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa uốn nắm nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng.

- Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng.

- Thanh tra là công tác rất quan trọng. Vì vậy các cấp chính quyền cũng như Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Thái độ của cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Phẩm chất của người thanh tra phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng, phải gương mẫu.

- Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đực cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt, thì đó là tiền đồ vẻ vang là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ.

IV. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo ra sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Coi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và kịp thời khắc phục những bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để vu khống, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; từ đó hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để tiến tới “không thể” tham nhũng.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra Đảng với hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng. Sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương, thu nhập và chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức “không cần” tham nhũng. Mặt khác, cần kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

V. TẤM GƯƠNG VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Khi kể câu chuyện về đồng chí tôi xin không báo cáo lại các thành tích đồng chí đã đạt được, tuy nhiên trong gần 20 năm công tác, đồng chí đã và đang đảm nhận các chức vụ: Chuyên viên thanh tra, thanh tra viên, Phó Chánh thanh tra, Chánh Thanh tra (Thanh tra viên chính), hiện tại đồng chí đang là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (quản lý công tác thanh tra, quản lý đầu tư công và công tác pháp chế).

Sau đây tôi xin kể lại mẫu chuyện nhỏ, đã từng xảy ra trong công tác khi tôi cùng thực hiện nhiệm vụ với đồng chí (xin gọi là Anh):

Ngày đó, Anh là Chánh Thanh tra (Trưởng đoàn Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển và công tác đấu thầu tại UBND huyện X). Trước khi triển khai cuộc thanh tra, Anh tổ chức họp đoàn thanh tra để phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn, trong cuộc họp Anh phân công cụ thể từng thành viên trực tiếp kiểm tra nội dung gì, phương pháp kiểm tra thế nào, cơ sở pháp lý ra sao, chú trọng những nội dung gì… Riêng tôi, là thành viên có thâm niên của phòng, lần đầu được anh giao nhiệm vụ tổng hợp các nội dung kiểm tra, báo cáo tuần, dự thảo báo cáo kết quả thanh tra để anh có ý kiến chỉ đạo.

Sau cuộc họp, Anh trao đổi với tôi và thành viên Đoàn thanh tra:

Cần lưu ý: Khi làm việc với đối tượng thanh tra cần thật khéo léo trong ứng xử; khi tổng hợp nội dung báo cáo tuần, báo cáo kết quả thanh tra nên xem xét toàn diện vấn đề, căn cứ cơ sở pháp lý theo quy định để đưa ra nhận xét trung lập, hợp lý; kiểm tra thật kỹ các tài liệu của đối tượng thanh tra cung cấp (nếu cần có thể đề xuất trích lục tài liệu để đối chiếu với tài liệu của đối tượng thanh tra cung cấp) tránh tình trạng xem xét nội dung không khách quan, một chiều dẫn đến kết quả kiểm tra hồ sơ không đảm bảo…

Câu chuyện: Công tác lựa chọn nhà thầu

Trong thời gian thanh tra, có trường hợp đồng chí thành viên đoàn thanh tra phát hiện, báo cáo nội dung:

Trong hồ sơ mời thầu có trường hợp nêu nhãn hiệu hàng hóa vào nội dung hồ sơ mời thầu, theo quy định tại điểm i khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật này”. Nói tóm tắt là nhãn hiệu hàng hóa yêu cầu được phép nêu trong hồ sơ mời thầu tuy nhiên bắt buộc phải có chữ “tương đương phía sau”, nhưng trong hồ sơ mời thầu không có. Đây là “Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu”.

Khi nhận được báo cáo nội dung trên, nhớ lại hướng dẫn của Anh “xem xét toàn diện vấn đề, kiểm tra thật kỹ các tài liệu của đối tượng thanh tra cung cấp”, vì vậy tôi trao đổi với thành viên đoàn:

Em xem lại hồ sơ mời thầu đó, kiểm tra lại nội dung “nêu nhãn hiệu hàng hóa vào nội dung hồ sơ mời thầu”, tuy nhiên đồng chí trả lời:

Anh ơi em đã kiểm tra rồi, đây hồ sơ đây, tại đây em đã ghi chú lại không có chữ “tương đương phía sau”.

Vậy em xem thêm: Trong tất cả quyển hồ sơ mời thầu, xem có 01 trang ghi chú (chú thích) với nội dung: “Trong tất cả các hàng hóa được nêu trong yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu là Tương đươnghoặc gần giống như vậy hay không.

Sau khi kiểm tra lại hồ sơ mời thầu một lần nửa thành viên đoàn báo cáo: “Anh ơi có ghi chú đây ạ”.

Tôi trả lời, em thấy không, Trưởng đoàn chúng ta có hướng dẫn “xem xét toàn diện vấn đề, kiểm tra thật kỹ các tài liệu của đối tượng thanh tra cung cấp”, tý nửa là anh em mình nhận xét hồ sơ không đúng rồi.

Quy định về công tác lựa chọn nhà thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu có uy tín, năng lực, tránh trường hợp nhà thầu không có năng lực nhưng lại được xét trúng thầu vì công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện chưa đúng quy định.

Sau đó, trong cuộc thanh tra này tôi lại phát hiện một trường hợp như sau:

Đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu muộn hơn so với quy định nhưng trước thời điểm thông báo mời thầu đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại công trình A theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết kế hoạch lựa chọn nhà thầu “Bên mời thầu có trách nhiệm tự đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được ban hành. Trường hợp chủ đầu tư chưa thành lập hoặc chưa lựa chọn được bên mời thầu thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm đăng tải theo quy định.

Khi nghe báo cáo của thành viên Đoàn thanh tra, anh chỉ đạo: Cần làm việc rõ lý do vì sao đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu muộn; hướng dẫn trách nhiệm đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc về chủ đầu tư để đơn vị rút kinh nghiệm, thực hiện đúng quy định.

Khi làm việc với đối tượng thanh tra giải trình như sau:

Công trình A được Ban quản lý dự án ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn tổ chức lựa chọn nhà thầu (Việc ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn sau 05 ngày kể từ ngày có Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dẫn đến việc đơn vị tư vấn đăng tải muộn). Chủ đầu tư giao nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định, tuy nhiên đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu đăng tải muộn, đây là lổi của đơn vị tư vấn.

Trường hợp này, Anh giải thích như sau: Theo quy định “Trường hợp chủ đầu tư chưa thành lập hoặc chưa lựa chọn được bên mời thầu thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm đăng tải theo quy định” đơn vị chịu trách nhiệm đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu là Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án), mặc dù công trình đã được thuê đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên việc đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu muộn (đơn vị tư vấn đăng tải, tuy nhiên là đăng tải thay chủ đầu tư), trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.

Việc nhận định chưa đúng về trách nhiệm đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu nêu trên của Ban quản lý dự án, dẫn dến việc đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và bị xử lý vi phạm hành chính. Từ đó về sau, khi có Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Ban quản lý dự án đã đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Qua câu chuyện trên cho ta thấy được:

- Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới, cần xem xét toàn diện vấn đề, kiểm tra thật kỹ các tài liệu của đối tượng thanh tra cung cấp để có kết luận một cách khách quan, đúng quy định.

- Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó; Cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa uốn nắm nếu làm sai, hoặc làm chậm. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ.

- Thực tế công tác đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua cho thấy, tình hình tham nhũng, tiêu cực, thất thoát có thể xẩy ra ở tất cả các khâu, giai đoạn của quá trình đầu tư như: Từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, sử dụng hoặc cấp phát vốn đầu tư đến khâu nghiệm thu công trình, thanh quyết toán… Muốn phòng, chống những hành vi sai phạm trên cần chú trọng nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ quản lý dự án có đạo đức nghề nghiệp, công chức thanh tra tra có năng lực kinh nghiệm trong công tác, không ngừng học tập nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chú trọng hơn nửa đến việc phân tích, đánh giá, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở quy định của hệ thống pháp luật liên quan.

Qua đó cho chúng ta thấy tấm gương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Anh.

Tác giả: qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay96
  • Tháng hiện tại42,007
  • Tổng lượt truy cập2,384,513
chuyển đổi số
văn bản pháp luật
góp ý dư thảo
Hệ thống tiếp nhận
cải cách thủ tục hành chính
Lấy ý kiến văn bản dự thảo
hỏi đáp
tuyên truyền phổ biến pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây