Các yếu tố vĩ mô tác động đến chuyển đổi số tại Việt Nam

Thứ hai - 28/08/2023 09:10 368 0
Các yếu tố vĩ mô tác động đến chuyển đổi số tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và đang thích ứng tốt với xu thế toàn cầu hóa, ngày một thể hiện vai trò và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyển đổi số tại Việt Nam vì vậy không nằm ngoài xu thế chung về chuyển đổi số trên toàn cầu. Dù vậy, môi trường cho việc chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng có những lợi thế và khó khăn nhất định. Để phân tích được lợi thế, khó khăn, thách thức và cơ hội, cần trước hết hiểu được môi trường vĩ mô tại Việt Nam.

Chúng tôi lựa chọn mô hình PESTEL để thực hiện việc phân tích và đánh giá các yếu tố vĩ mô cho hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, bao gồm các yếu tố về Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Công nghệ, Môi trường, Luật pháp.

Phân tích các yếu tố vĩ mô bằng mô hình PESTEL

  1. Về chính trị
  • Các yếu tố tích cực:

Chính trị của Việt Nam ổn định trong nhiều năm liên tục. Chính phủ, Nhà nước Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác, mở cửa, thúc đẩy cho thương mại đa chiều, thu hút đầu tư và ngày càng có được vị thế trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam cũng ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nên có nhiều hoạt động thúc đẩy cho việc phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, bao gồm cả việc xây dựng, kiến tạo và hướng tới chính phủ số, xã hội số thể hiện trong một số văn bản, chính sách đáng chú ý như:

(1) Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, trong đó chỉ rõ về mục tiêu, tầm nhìn và 08 nhóm chủ trương, chính sách hỗ trợ cho cuộc CMCN lần từ 4 cùng các chỉ đạo cho các cấp lãnh đạo, các cơ quan Đảng các cấp trực thuộc phối hợp triển khai.

(2) Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” tạo cơ sở cho các cấp quản lý xây dựng các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cho việc đẩy mạnh kinh tế chia sẻ – là một mô hình kinh tế xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ;

(3) Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025;

(4) Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, v.v.

(5) Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 01/01/2020 của Thủ tướng chính phủ, về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Và rất nhiều chương trình quốc gia, các quyết định khác của Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng CNTT như Quyết định số 392/2015/QĐ-TTg ngày 27/3/ 2015 về việc hỗ trợ xây dựng 7 khu công nghệ thông tin tập trung; Quyết định 392/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; v.v.

Ngoài ra, từ góc độ quản lý doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều qui định, yêu cầu, khuyến khích ứng dụng phần mềm hoặc giao dịch qua mạng trong một số hoạt động báo cáo, khai báo nhà nước cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, có thể kể đến như khai báo thuế qua mạng, khai báo bảo hiểm qua mạng, hóa đơn điện tử, chữ ký số, khai báo hải quan điện tử, v.v. Các yêu cầu này đã góp phần khiến các doanh nghiệp có ý thức sử dụng các phần mềm, giải pháp công nghệ cho hoạt động quản trị.

  • Các mặt còn hạn chế:

Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và còn chưa thực chất, rất nhiều đề tài nghiên cứu nhưng không được hoặc khó có khả năng ứng dụng thực tế. chi cho hoạt động R&D trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ 0,4% GDP so với con số 3,3% GDP của Nhật Bản, 2,2% GDP của Singapore, 2,1% GDP của Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, chi cho hoạt động R&D hiện nay chiếm đến 4,2% GDP[1]. Một số khu công nghệ cao được chính phủ đầu tư nhưng chưa tiến trình thực hiện còn chậm và chưa thực sự sát với nhu cầu thực tế.

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ thông tin đã có trong đề cập trong Nghị quyết 41/NQ-CP năm 2016 và dự thảo từ nhiều năm những vẫn chưa được ban hành.

  1. Về kinh tế
  • Các yếu tố tích cực:

Kinh tế vĩ mô Việt Nam là điểm sáng lớn, tích cực. Việt Nam nhiều năm liên tiếp có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Châu Á và thế giới, lạm phát ổn định, đồng tiền không bị mất giá, môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định, là điểm đến đầu tư của nhiều Tập Đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Việt Nam gia nhập WTO và ký kết nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia khác, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 08/3/2018, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU ngày 30/6/2019. Đây là một trong những cú hích lớn đối với nền kinh tế, thương mại hai chiều, đặc biệt là xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam.

Kinh tế trong nước phát triển nhờ hạ tầng giao thông, thông tin tốt và tỷ lệ dân số đang trong độ tuổi lao động cao (dân số vàng). Với hơn 90 triệu dân, bản thân Việt Nam đã là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo một dự báo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế, năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể giữ được đà tăng trưởng GDP dương (khoảng 1,6%) so với mức GDP toàn cầu tăng trưởng âm 4,4%. Cũng theo dự báo này, Việt Nam sẽ vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.[2]

Dự báo quy mô GDP năm 2020 của IMF – khu vực Đông Nam Á

Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khoa học và doanh nghiệp phát triển phần mềm phần nào hỗ trợ được hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều chính sách ưu đãi thuế thu hút đầu tư nước ngoài góp phần vào việc phát triển của ngày ICT, giá trị xuất khẩu việc làm cho nhiều công nhân.

  • Các mặt còn hạn chế:

Chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Trong nhiều tình huống, doanh nghiệp cân nhắc hiệu quả đầu tư so với việc sử dụng lao động phổ thông, trong khi chi phí lương của lao động không quá lớn, dẫn đến lựa chọn chưa đầu tư.

Hệ thống ngân hàng, các kênh đầu tư tài chính tại Việt Nam tuy đã có nhiều bước tiến bộ nhưng vẫn còn khá chậm so với các nước trên thế giới. Lãi suất cho vay của các ngân hàng cho doanh nghiệp vẫn còn khá cao, điều kiện, thủ tục giải ngân còn khó khăn cho doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị còn chưa nhiều, ví dụ như hầu hết các nhà cung cấp (supplier) cấp 1 của Samsung vẫn là các doanh nghiệp Hàn Quốc; các Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các cấp 2, 3, v.v.  giá trị chưa lớn.

Tại Việt Nam, gần như không có các sàn giao dịch cho Doanh nghiệp (Sàn B2B) hoặc chỉ là các sàn giao dịch rất nhỏ lẻ, chưa hỗ trợ được cho việc giao thương kinh tế, tìm kiếm đối tác cho các doanh nghiệp.

Nhiều giao dịch kinh tế tại Việt Nam còn thiếu tính minh bạch ảnh hưởng tới tâm lý e ngại khi áp dụng công nghệ.

  1. Về xã hội
  • Các yếu tố tích cực

Trong những năm qua, tình hình xã hội ở Việt Nam ổn định, không có các vấn đề bất ổn xã hội, an ninh xã hội tốt, người dân tin vào đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; giáo dục và y tế được nhà nước hỗ trợ, đầu tư phát triển.

Tỷ lệ người dân sử dụng internet và smart phone tăng nhanh, lần lượt là 66% (Nguồn: We are social 2019) và 43,7 triệu người sử dụng smart phone (chiếm 44,9%, nguồn: adsota).

Trong số người sử dụng internet, 87% sử dụng các chức năng tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ; 77% đã từng mua sản phẩm, dịch vụ trực tuyến. Tỷ trọng giao dịch thương mại điện tử so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm 4,9% (năm 2019), tăng trưởng trung bình hàng năm lên tới hơn 25%.

Năm 2019 Việt Nam đã lọt vào nhóm đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử. Theo số liệu thống kê của NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng gần 20% về số lượng và hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị giao dịch bình quân cũng tăng lên theo từng tháng và đạt 374.000 tỷ đồng/ngày tính chung trong 9 tháng.

  • Các mặt còn hạn chế

Dân trí của người dân còn chưa cao, nhận thức về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn thấp.

Mặc dù tỷ trọng giao dịch thương mại điện tử tăng nhanh nhưng vẫn tập trung chủ yếu một số ngành hàng như thời trang, điện tử, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm và tập trung ở hai thành phố chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy thanh toán điện tử tăng nhanh, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn; các giao dịch thanh toán điện tử trên các giao dịch thương mại điện tử vẫn còn thấp, chỉ chiếm 20% tổng số giao dịch, người tiêu dùng vẫn chủ yếu dùng phương thức thanh toán tiền mặt khi giao hàng (COD), cho thấy niềm tin vào hàng hóa bán trên các kênh trực tuyến chưa cao.

Tỷ lệ người dân nói được thông thạo ngoại ngữ còn thấp, việc đào tạo ngoại ngữ còn chưa chú trọng nhiều tới giao tiếp, môi trường cho thực hành ngoại ngữ với người nước ngoài chưa đủ nhiều.

  1. Về công nghệ
  • Các yếu tố tích cực

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại di động thông minh, mạng xã hội thuộc hàng tốt trên thế giới. Lực lượng giới trẻ đông đảo, tiếp cận nhanh với công nghệ.

Hạ tầng kết nối của Việt Nam tương đối tốt, internet hầu như đã phổ biến với chi phí không quá cao, đặc biệt là “dữ liệu” 3G/4G/5G của các nhà mạng; tốc độ kết nối đảm bảo cho các hoạt động cơ bản, hầu hết người dân và doanh nghiệp đều có khả năng chi trả; các khách sạn, nhà hàng, các điểm kinh doanh hầu hết đều cung cấp wifi miễn phí.

Ngành công nghệ thông tin được chính phủ lựa chọn là một trong những nghành mũi nhọn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2019, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông ước đạt 112 tỷ USD, tăng 98% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho một triệu lao động, đóng góp hơn 14% tổng GDP. Theo báo cáo về chỉ số kỹ năng của Coursera năm 2020, Việt Nam xếp hạng 22 toàn cầu về “công nghệ” nói chung (xếp hạng 2 Châu Á) và hạng 53 về “khoa học dữ liệu”.[3]

Các công nghệ nền tảng như điện toán đám mây, AI/ML, Blockchain, IoT Platform, v.v. đã tương đối phát triển và được cung cấp rộng rãi cho các cộng đồng khai thác, phát triển các ứng dụng như Google Cloud, Amazon AWS, Google TensorFlow, Amazon Azure, Ethereum, IBM Blockchain, ThinkWorx, IBM Watson IoT, Salesforce IoT, v.v.

Các công nghệ cho phát triển phần mềm cũng phát triển và giúp cho quán trình phát triển ứng dụng trở nên nhanh chóng như kiến trúc Microservices, Kubernetes, Docker, CI/CD, DevOps, GraphQL, React Native, NodeJS, Python, .NET Core, Woocommerce, các nền tảng Low Code Platform, v.v.

Hiện nay việc tích hợp giữa các ứng dụng đã không còn trở nên phức tạp như xưa, các chuẩn phổ biến cho việc tích hợp như SOAP, REST, JSON, v.v. hoặc các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ tích hợp dữ liệu như Mulesoft, Dell Boomi, v.v.

  • Các mặt còn hạn chế

Nền tảng công nghệ và sự chia sẻ, kế thừa các công nghệ của các doanh nghiệp còn chưa cao; Chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển.

Lực lượng nhân lực CNTT mặc dù cũng không ít nhưng chưa tinh, đào tạo còn thiếu nhiều tính thực tế, chủ yếu làm gia công cho các nước khác. Nhiều lao động CNTT thiếu các kỹ năng mềm cần thiết, khả năng phối hợp làm việc nhóm chưa cao.

Chiều sâu các sản phẩm công nghệ thông tin trong nước chưa cao và chịu nhiều cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc tế.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều tới bảo mật, trang bị hạ tầng bảo mật sơ sài, sử dụng nhiều các phần mềm miễn phí và các phần mềm được crack, v.v. dẫn tơi khả năng bị tấn công cao.

Ngoại trừ các doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam đặt nhà máy, năng lực sản xuất thiết bị phần cứng của Việt Nam còn thấp, rất nhiều hoạt động sản xuất phải gia công tại Trung Quốc, Đài Loan, chịu nhiều rủi ro kiểm soát thông tin.

  1. Về môi trường
  • Các yếu tố tích cực

Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, gắn kinh tế với đời sống xã hội và môi trường, thúc đẩy các ngành kinh tế thân thiện với môi trường như du lịch, dịch vụ, giáo dục, công nghệ thông tin.

Các điều kiện thời tiết cho việc sống, làm việc tại Việt Nam tương đối thuận lợi, gần như không có động đất, núi lửa, sóng thần, nhiệt độ môi trường không quá biến động; v.v.

  • Các mặt còn hạn chế:

Nếu so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, giá điện của Việt Nam tương đương, tuy nhiên nếu so với GDP của các nước này thì chi phí điện tại Việt Nam còn khá cao. Giá xăng dầu tại Việt Nam chưa phải cao so với các nước trong khu vực nhưng trong những năm gần đây, giá xăng của Việt Nam đã tăng nhanh, nhiều thời điểm gây áp lực rất lớn lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và giá các mặt hàng tiêu dùng.

Giao thông đi lại tại Việt Nam còn khá hạn chế, mật độ dân số và giao thông đều rất cao tại nhiều khu vực thành phố lớn.

  1. Về pháp lý
  • Các yếu tố tích cực

 Việt Nam có hệ thống luật pháp chặt chẽ, có các hệ thống nghị định, thông tư, các văn bản hướng dẫn tương đối đầy đủ.

Ngày 19/11/2019, Quốc Hội ban Luật An toàn thông tin mạng tại văn bản Luật số 86/2015/QH13, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Giữa năm 2018, Việt Nam ban hành luật an ninh mạng, quy định những nội dung cơ bản về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật đã góp phần tạo ra thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa tới vấn đề an ninh thông tin, dữ liệu của người dân, doanh nghiệp và Việt Nam.

Mới đây, ngày 14/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, góp phần giảm bớt các cuộc gọi tin nhắn rác, giảm sự phiền hà tới khách hàng và làm trong sạch môi trường kinh doanh trực tuyến.

  • Các mặt còn hạn chế

Tuy nhiên, do số lượng các qui định, thủ tục, giấy phép còn nhiều, phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Luật bản quyền, phòng chống vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu, dẫn đến hạn chế trong công tác nghiên cứu.

Luật, khung qui định về bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn còn rời rạc và chưa có các hướng dẫn chi tiết về xử phạt. Trên thực tế, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân vẫn còn xảy ra thường xuyên.

Khung pháp lý cho các lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) vẫn chưa có, các cơ chế như “sandbox” đã được thảo luận từ lâu nhưng chưa được ban hành.

Nguồn tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=387722

[2] https://www.imf.org/en/Countries/VNM

[3] https://www.coursera.org/gsi

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tác giả: qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay1,892
  • Tháng hiện tại55,025
  • Tổng lượt truy cập2,321,371
chuyển đổi số
văn bản pháp luật
góp ý dư thảo
Hệ thống tiếp nhận
cải cách thủ tục hành chính
Lấy ý kiến văn bản dự thảo
hỏi đáp
tuyên truyền phổ biến pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây