Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc

Thứ tư - 17/08/2022 16:20 203 0

 

 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Đảng chỉ rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; mọi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng chỉ có thể được thực hiện bằng sự tham gia tích cực, bằng hành động sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân, không có quần chúng nhân dân thì không có cách mạng.

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), vai trò của quần chúng nhân dân quyết định đến sự ổn định chính trị đất nước và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Công an có bao nhiêu người? dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân...Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân ta đã đoàn kết, phát huy những phẩm chất tốt đẹp và vai trò làm chủ, nhân dân sát cánh cùng lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945) bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến, tham mưu với Đảng, Chính phủ chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “ba không” và phong trào “Ngũ gia liên bảo”. Các cuộc vận động trên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho nhân dân, bưng bít tai mắt quân thù và nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “phòng gian bảo mật” với các nội dung: bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” tự trị…ở miền núi phía Bắc và lập “Nước Tây kỳ tự trị”, “Nước Nam kỳ tự trị” ở phía Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ở miền Bắc, Trung ương phát động phong trào “Bảo vệ trị an” trong nhân dân và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở ba vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp”. Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), theo chỉ đạo của Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 24 (9/1975) và kế thừa các phong trào trước đây, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30 (12/1975) quyết định phát động "Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ". Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo bởi phong trào đã bao quát trên tất cả các lĩnh vực: bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hoá - tư tưởng, an ninh xã hội và an ninh - quốc phòng; lực lượng Công an đã sớm tham mưu phục vụ Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT trong toàn quốc thành phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ. Đồng thời Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn; nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân, đồng tâm hiệp lực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn cơ sở, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.

Trong 17 năm qua, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từng bước đi vào cuộc sống, tổ chức hướng về cơ sở, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hằng năm được các địa phương tổ chức đảm bảo yêu cầu, thiết thực, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng phong trào; gặp mặt, tôn vinh các điển hình tiên tiến; trao tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; ký kết giao ước thi đua giữa các ban, ngành, đoàn thể các cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong Ngày hội nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như tổ chức khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân; thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ,…Các hoạt động được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, thiết thực ở cả 3 cấp (cơ sở, huyện, tỉnh, thành phố) đã thực sự trở thành ngày hội biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Từ đó, nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư; giữ gìn trật tự công cộng; an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; tham gia xây dựng nội quy, quy ước về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.

Kỷ niệm 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, là dịp để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp bảo vệ ANTQ. Đồng thời tạo động lực cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm và năng lực trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ hiện nay. Gắn việc thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ với thực hiện các phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, làm nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Nguồn: Phương Dung - Nhà Văn hoá( Links bài: https://eahleo.daklak.gov.vn/ngay-hoi-toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-1982022-4171.html#:~:text=Tr%C6%B0%E1%BB%9Bc%20y%C3%AAu%20c%E1%BA%A7u%20nhi%E1%BB%87m%20v%E1%BB%A5,t%E1%BB%B1%20h%C3%A0o%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c%2C%20n%C3%A2ng)

Tác giả: qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay3,201
  • Tháng hiện tại18,474
  • Tổng lượt truy cập2,284,820
chuyển đổi số
văn bản pháp luật
góp ý dư thảo
Hệ thống tiếp nhận
cải cách thủ tục hành chính
Lấy ý kiến văn bản dự thảo
hỏi đáp
tuyên truyền phổ biến pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây