Hội nghị cho ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cuối kỳ) và dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh

Thứ sáu - 29/07/2022 10:42 465 0
Hội nghị cho ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cuối kỳ) và dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh

Sáng ngày 07/7/2022, tại Hội trường UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị cho ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cuối kỳ) và dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh.

Chủ trì Hội nghị là đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí:

  • Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy.
  • Ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Quy hoạch tỉnh.
  • Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương là Thành viên Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh.

Hội nghị còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học:

  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
  • TS Trần Du Lịch – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu TPHCM.
  • Ông Lê Văn Thụy – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau khi nghe 02 đơn vị tư vấn trình bày nội dung của dự thảo Quy hoạch tỉnh và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC), đã có nhiều ý kiến góp ý cho 02 bản dự thảo.

Góp ý cho bản dự thảo quy hoạch tỉnh, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, bản quy hoạch tỉnh đã áp dụng chỉ tiêu thương số vị trí để chứng minh vai trò và mức độ tập trung của Tây Ninh so với Vùng và cả nước, đây là một điểm mới và khá cụ thể. Tuy nhiên, tỉnh cần lưu ý về sự chuyển dịch đất đai 10 năm qua và giai đoạn 2021 – 2025, khi đất nông nghiệp giảm quá lớn đòi hỏi phải có lộ trình và kế hoạch chuyển đổi phù hợp, tránh bê tông hóa trên đất nông nghiệp làm giảm bề mặt thấm nước của một số khu vực. Lưu ý một số chỉ tiêu phát triển đô thị và kịch bản mở rộng đô thị cho phù hợp.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, Tây Ninh cần tận dụng lợi thế ngoại vi của Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển nhanh hơn. Thời gian qua, tỉnh chưa tận dụng và hưởng lợi gì từ vị trí này (sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế), do đó trong thời gian tới phải trở thành điểm đột phá khi cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài được kết nối thì tỉnh phải tăng tốc phát triển, điều này phụ thuộc rất lớn vào hệ thống giao thông kết nối Vùng. Tây Ninh và Bình Phước là 2 vùng đất dự trữ cho quá trình công nghiệp hóa mà các tỉnh lân cận khác đang dần mất lợi thế. Do đó, thời gian tới tỉnh cần kiến nghị Chính phủ khi xây dựng thể chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà Tây Ninh là thành viên cần phải xây dựng một chính sách chung cho cả Vùng chứ không riêng một địa phương nào: trong đó, nhấn mạnh kết nối hạ tầng giao thông, đào tạo nhân lực và thị trường lao động chung, xử lý vấn đề bố trí quy hoạch từ Trung ương đến địa phương - phân bố rõ ràng hơn trên địa bàn Vùng; chính sách bảo vệ môi trường chung cho cả Vùng.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo phải hết sức cân nhắc vấn đề xử lý rác thải và quy hoạch khu vực nghĩa trang, đây là vấn đề ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Cơ bản thống nhất phương án phân vùng, phân cực phát triển, cần tách các nội dung liên quan đến phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để có đánh giá. Tư vấn quan tâm một số ý tưởng mới về đô thị, hiện nay một số nhà đầu tư đang khảo sát dự án với quy mô lớn; cập nhật quy hoạch đô thị, các khu dự trữ phát triển đô thị trong thời gian tới và quỹ đất sạch. Việc điều chỉnh các địa giới hành chính, xã, huyện cần tách riêng để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc kết luận một số nội dung được thống nhất tại Hội nghị, tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành, tâm huyết, trách nhiệm cao của các chuyên gia, nhà khoa học trong phản biện, góp ý, gợi mở nhiều vấn đề mới để góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch.

Về cơ bản, các thành viên trong Ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh thống nhất với báo cáo Quy hoạch tỉnh (cuối kỳ) và chọn kịch bản tăng trưởng theo phương án 2, đồng thời lưu ý một số vấn đề sau: Đảm bảo cập nhật đầy đủ, tương thích, đồng bộ các quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, các dự án đã có chủ trương của tỉnh cũng như 1 số đề xuất dự án liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, đô thị, nông nghiệp và du lịch, …. Trong đó lưu ý: Cập nhật các dự án vào quy hoạch tỉnh theo hướng động, mở và linh hoạt, các định hướng phát triển khu đô thị khu vực rạch Tây Ninh; định hướng phát triển du lịch sinh thái khu vực Vườn quốc gia Lò Gò -  Xa Mát.

Đối với hồ Dầu Tiếng, cập nhật đầy đủ các quy hoạch hiện có (quy hoạch khoáng sản, điện mặt trời, du lịch, …) bảo đảm phát triển đa mục tiêu, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hồ Dầu Tiếng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hồ Dầu Tiếng có tiềm năng lớn, đa dạng để phát triển du lịch đặc sắc mang tầm quốc gia và quốc tế, vì vậy cần định hướng rõ phát triển du lịch hồ Dầu Tiếng đa dạng về loại hình (trừ du lịch tâm linh) và đảm bảo yếu tố động, mở với các loại hình du lịch (sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, các hoạt động du lịch mặt nước, …) trở thành điểm đến du lịch đặc sắc mang tầm quốc gia và quốc tế. Lưu ý, cập nhật các dự án đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư (Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ Đảo Nhím, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Kim Đăng – Khu 63,……).

Nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đô thị tại một số giao điểm giao thông kết nối trên các tuyến đường giao thông trọng điểm, nhất là các tuyến cao tốc đang hoạch định để mở rộng không gian phát triển.

Nghiên cứu, định vị rõ hơn vai trò của địa phương đối với Vùng và quốc gia cũng như nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là những tiềm năng, lợi thế vượt không gian địa phương trở thành tiềm năng lớn của Vùng và quốc gia như: vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng - an ninh và kinh tế đối ngoại; là cửa ngõ, cầu nối quan trọng kết nối kinh tế khu vực, quốc gia với Campuchia và các nước Asean bằng đường bộ; có KKTCK Mộc Bài – Xa Mát tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu, giao thương thương mại của cả Vùng với thị trường Campuchia và tiểu Vùng sông Mê Kông, là trục tăng trưởng quan trọng hành lang Tây Bắc; có tiềm năng lớn về năng lượng điện mặt trời; Hồ Dầu Tiếng – công trình thủy lợi lớn nhất nước, là trung tâm điều tiết thủy nông và nguồn nước sạch cho cả Vùng, dư địa đất đai còn lớn, có khả năng trở thành trục công nghiệp, đô thị vệ tinh cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả Vùng. Nghiên cứu đề xuất giải pháp hóa giải “thế độc đạo” về vị trí của tỉnh để tạo liên thông, kết nối Vùng mạnh mẽ hơn, nhất là đẩy mạnh kết nối vùng về phát triển hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, đô thị, phát triển kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư. Cân đối, hợp lý cơ cấu sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là thực hiện các định hướng phát triển về công nghiệp, đô thị.

Về giải pháp thực hiện quy hoạch, cần nghiên cứu bổ sung thêm một số giải pháp như: vấn đề liên quan đến môi trường chiến lược ngay trong từng nội dung quy hoạch; giải pháp huy động nguồn lực trong đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế mang tính lan tỏa kết nối Vùng.

Về dự thảo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược: đơn vị tư vấn cần đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ yêu cầu, nội dung quy định về đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Nghiên cứu bổ sung đánh giá một cách toàn diện, khách quan, đúng, đủ các yếu tố liên quan đến môi trường chiến lược khi triển khai quy hoạch tỉnh, trong đó cần đánh giá cụ thể hơn các yếu tố tác động từ quy hoạch liên quan đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường văn hóa, môi trường đầu tư và quốc phòng – an ninh, …Xác định rõ cấp độ tác động môi trường chiến lược (thấp, trung bình, nghiêm trọng) để sớm có hướng xử lý. Đề xuất cụ thể giải pháp hạn chế tác động của quy hoạch đến môi trường chiến lược. Đối với những tác động nghiêm trọng cần có khuyến cáo để xem xét, điều chỉnh định hướng lại nội dung quy hoạch (nếu cần thiết).

Các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo trước ngày 15/7/2022 để trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tác giả: qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,750
  • Tháng hiện tại21,805
  • Tổng lượt truy cập2,219,382
chuyển đổi số
văn bản pháp luật
góp ý dư thảo
Hệ thống tiếp nhận
cải cách thủ tục hành chính
Lấy ý kiến văn bản dự thảo
hỏi đáp
tuyên truyền phổ biến pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây