Giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất/kinh doanh nhỏ

Thứ tư - 17/04/2024 10:09 186 0
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
Giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất/kinh doanh nhỏ

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp và hộ sản xuất/kinh doanh nhỏ không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào, mà cần kết hợp với chuẩn hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị trong các cơ sở này. Chuyển đổi số trên thế giới đã và đang lan tỏa trong rộng rãi các doanh nghiệp và các tổ chức trên toàn thế giới và là một trong những ưu tiên trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Xay xát, đóng gói gạo xuất khẩu tự động hóa tại một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh

Để nâng cao giá trị chuỗi cung ứng và thu nhập của nông dân thông qua tăng cường liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, doanh nghiệp cần hỗ trợ các công cụ phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm, tăng cường minh bạch thông tin. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất – tiêu thụ nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu, giúp cho sản xuất ổn định, đảm bảo kế hoạch, phát huy được giá trị thương hiệu.

Định nghĩa giải pháp truy xuất nguồn gốc là gì? 

Là giải pháp cho phép người tiêu dùng cũng như các bên liên quan truy tìm lịch sử các thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, phân phối và cho đến khi sản phẩm đến được tay người dùng.

Mô tả luồng sản phẩm và thông tin của giải pháp truy xuất nguồn gốc

Lợi ích của việc áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất/kinh doanh nhỏ

  • Cải thiện khả năng xác định, đối phó với và ngăn chặn các sự kiện mất an toàn thực phẩm (ATTP) 
  • Xác định và khoanh vùng nguồn gây mất ATTP / không tuân thủ yêu cầu về ATTP 
  • Giảm thiểu chi phí thực hiện thu hồi sản phẩm 
  • Giảm thất thoát trong quá trình sản xuất kinh doanh 
  • Tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm và đơn vị sản xuất, kinh doanh và phân phối đối với doanh nghiệp sản xuất

Điều kiện để triển khai thành công

Để có thể cạnh tranh trên thị trường nông sản rất cần khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn trong nước hoặc quốc tế; giao hàng kịp thời với giá cả cạnh tranh. Hộ nông dân cá thể khó có đủ điều kiện để làm được điều này, đòi hỏi cần có sự liên kết ngang trong sản xuất với sự tham gia vào các liên minh hợp tác xã và sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Qua đó, các hộ nông dân sẽ hiểu và thực hiện theo các quy trình sản xuất tiêu chuẩn xuyên suốt các vùng trồng hoặc vùng chăn nuôi với quy mô đủ lớn. 

Doanh nghiệp cần xác định rõ các điều kiện bắt buộc và các tiêu chuẩn có liên quan để chuẩn hóa quy trình, phổ biến đến người nông dân ở các vùng trồng, vùng chăn nuôi. Một số quy định về tiêu chuẩn phổ biến hiện nay về sản xuất có thể kể đến bao gồm: 

  • VietGAP về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 
  • GlobalGAP về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu 
  • Tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam (TCVN 11401-1:2017) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 
  • Tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ – USDA 

Ngoài ra, còn một số các điều kiện bắt buộc mà doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tuân thủ khi giao thương ở các thị trường. Tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của thị trường và người bán để đưa vào quy trình các thủ tục phù hợp.

Mô tả giải pháp và công nghệ áp dụng 

Giải pháp truy xuất nguồn gốc đầy đủ và hiệu quả cần đảm bảo 03 tính năng, bao gồm: 

(i) Nhận dạng sản phẩm: đây là tất cả các thông tin định danh xoay quanh sản phầm cần truy xuất, bao gồm thông tin về sản phẩm, các đơn vị liên quan và địa điểm thực hiện hoạt động. Ví dụ: tên sản phẩm (chuối, táo,v.v.), mã số vùng trồng, đơn vị vận chuyển, phương tiện vận chuyển. Mỗi sản phẩm sẽ mang mã số phân định riêng và được gắn nhãn, mác hoặc thẻ tại nguồn. Số phân định này cần được thống nhất trong toàn bộ các khâu sản xuất, kinh doanh để đảm bảo truy xuất được toàn trình từ khâu đầu vào đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, doanh nghiệp được khuyến nghị sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN) bao gồm 14 chữ số và có thể được mã hóa thành các ký tự.

Ví dụ về mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN)

(ii) Thu thập dữ liệu: thông tin về quy trình sản xuất & kinh doanh cần được thu thập đầy đủ, chính xác trong quá trình luận chuyển của hàng hóa. Chỉ một số thông tin quan trọng về quy trình mới cần được thu thập, phụ thuộc vào tiêu chuẩn về sản phẩm mà đơn vị đang tuần thủ theo (VietGAP, GlobalGAP, v.v.) như ngày gieo trồng/bón phân/phun thuốc, ngày xuất kho, đơn vị vận chuyển, v.v. 

(iii) Ghi nhận và chia sẻ dữ liệu: thông tin sau khi được thu thập cần được lưu trữ và chia sẻ với khách hàng và các đối tượng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp (nông dân, hợp tác xã, thương lái, đơn vị chế biến/phân phối, đơn vị phân phối/bán lẻ). Truy xuất nguồn gốc không có nghĩa là mỗi bên tham gia phải lưu trữ và gửi đi tất cả các thông tin truy xuất. Tuy nhiên, các bên cần phải ghi chép và trao đổi thông tin ở một mức độ chung nào đó, đảm bảo tính hiệu quả và sự xuyên suốt của thông tin.

Các bên tham gia trong quá trình truy xuất có thể áp dụng phương pháp truy xuất thủ công như ghi chép, trao đổi dữ liệu xử lý bằng tay, hoặc cũng có thể thực hiện tự động thông qua các công nghệ hỗ trợ phụ thuộc vào quy mô và mục tiêu kinh doanh.

Mô tả giải pháp truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh

(i) Mã vạch: để nhận dạng sản phẩm: mã vạch đang là công nghệ phổ biến được nhiều doanh nghiệp sử dụng do các ưu điểm về việc dễ sử dụng, nhỏ gọn có thể dán trên sản phẩm, độ chính xác cao so với ghi chép thủ công cũng như có thể đọc được bởi nhiều thiết bị. Hiện tại, có 02 loại mã vạch là mã một chiều (1D) và mã 2 chiều (2D) (hình 11 và hình 12). Mã 2D mà phổ biến nhất là mã QR với khả năng lưu trữ nhiều ký tự và ít chịu sử ảnh hưởng của bề mặt (bụi bẩn, trầy xước) hơn mã 1D.

Việc sử dụng mã vạch cần đăng ký với Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam để nộp phí đăng ký và phí duy trì theo quy định. Máy in mã vạch đang được cung cấp với chi phí dao động từ 2 – 5 triệu đồng. 

Minh họa mã vạch 1D (trái) và mã vạch 2D (phải)

(ii) RFID (Nhận dạng qua tần số vô tuyến): là một giải pháp công nghệ nhận diện mới đã được triển khai rộng rãi trên thế giới trong các mô hình chăn nuôi giúp nhà chăn nuôi biết được chính xác tiến trình phát triển của từng cá thể từ lúc được sinh ra cho tới khi xuất bán hoặc ra thịt thành phẩm. Từ đó, sẽ đưa ra các phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm đảm bảo mọi giai đoạn phát triển của cá thể được giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý mọi thay đổi và cuối cùng nhằm đạt được năng suất tối ưu nhất, đồng thời thỏa mãn các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cuối cùng cũng có thể tra cứu nguồn gốc và tình trạng của sản phẩm mà mình dự định mua. 

Thẻ RFID dùng để gắn lên tai hoặc lên chân các cá thể, chứa ID về thẻ và các thông tin liên quan đến quá trình sinh trưởng của vật nuôi.

Hiện tại, trên thị trường có nhiều loại thẻ RFID với nhiều mức giá khác nhau, phụ thuộc vào kích cỡ, phạm vi áp dụng,v.v.với mức giá từ 5.000 – 500.000 đồng. Chi phí để đầu tư và duy trì hệ thống RFID khá lớn và phù hợp với doanh nghiệp sản xuất với quy mô đàn lớn. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư. 

Minh họa thẻ RFID cho vật nuôi

(iii) Thiết bị quét mã vạch: máy đọc mã vạch cầm tay và ứng dụng điện thoại thông minh là 02 loại thiết bị phù hợp với DNNVV và các hộ nông dân tại Việt Nam. Máy đọc mã vạch cầm tay có thể sử dụng đơn giản nhưng cần kết nối với mạng để chuyển dữ liệu, giá dao động từ 2 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên, ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh có ưu điểm do dễ sử dụng và thường không mất phí. 

Đối với các hộ nông dân, hợp tác xã không được cung cấp ứng dụng để thu thập thông tin, có thể sử dụng nhật ký trên file excel và chuyển dữ liệu này cho các bên thu mua, phân phối để cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung cho mục đích truy xuất.

(iv) Cảm biến IoT: các cảm biến được lắp đặt để thu thập các thông tin về hoạt động sản xuất và tự động truyền thông tin về cơ sở dữ liệu cloud thông qua kết nối internet (wifi hoặc 3G/4G phụ thuộc vào điều kiện địa điểm lắp đặt thiết bị). Người dùng có thể truy cập vào thông tin thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc qua website. 

Thế mạnh của việc sử dụng IoT trong truy xuất nguồn gốc là mức độ tin cậy, chính xác cao của thông tin và giảm thiểu các hoạt động thủ công nhờ việc tự động thu thập và truyền dữ liệu về cloud và ứng dụng/trang web cho người dùng. Ngoài ra, công nghệ này có thể tương thích với nhiều mạng lưới và ứng dụng khác nhau nên có thể dễ dàng kết hợp. Tuy nhiên, nguồn cấp điện, tuổi thọ của cảm biến, tính ổn định của mạng lưới cũng như chi phí cao là các yếu tố cần cân nhắc cho DNNVV khi áp dụng.

(v) Ứng dụng di động: ứng dụng di động có thể dễ dàng tải và cài đặt trên điện thoại thông minh của người dùng. Các bên tham gia có thể sử dụng ứng dụng di động để thu thập thông tin và dễ dàng chia sẻ với các đơn vị có liên kết khác. Hiện nay, các ứng dụng di động về truy xuất nguồn gốc được phát triển phù hợp với các tiêu chuẩn khác nhau như VietGAP, GlobalGAP, v.v. và được cung cấp miễn phí hoặc với mức phí thấp. 

(vi) Công nghệ blockchain: blockchain là công nghệ để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Ưu điểm của công nghệ này là tính bảo mật và khả năng chia sẻ thông tin theo thời gian thực cho các bên tham gia trong chuỗi. Đây là công nghệ được sử dụng bởi hầu hết các nhà cung cấp giải pháp truy xuất trên thế giới và tại Việt Nam do sự ưu việt trong bảo mật. Tuy nhiên, chi phí để phát triển giải pháp dựa trên công nghệ khá cao nên doanh nghiệp cần cân nhắc để lựa chọn nhà cung cấp phù hợp với quy mô cũng như mục tiêu kinh doanh

Các công nghệ được đề xuất không thể hoạt động độc lập mà cần kết hợp với nhau để tạo nên giải pháp truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh. Hiện nay, gói giải pháp được cung cấp trên thị trường hầu hết là sự kết hợp giữa công nghệ blockchain, ứng dụng di động, mã vạch với các thông tin được tùy chỉnh theo yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán lẻ, phân phối, xuất khẩu, chế biến nên mua các giải pháp từ nhà cung cấp và cung cấp miễn phí cho các hợp tác xã/hộ gia đình trong chuỗi liên kết của mình để thu thập được các thông tin đầy đủ, chính xác nhất.

Các lưu ý khi đầu tư và triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc

Đối với DNNVV

  • Doanh nghiệp ở cuối chuỗi cung ứng (bán lẻ/phân phối/sản xuất) có thể hợp tác với các nhà cung cấp trong nước/quốc tế để phát triển giải pháp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và quy mô. Đối với các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu, cần xác định rõ bộ thông tin truy xuất của thị trường mục tiêu để đưa ra đầu bài phù hợp. Giải pháp cần được áp dụng xuyên suốt chuỗi cung ứng của doanh nghiệp để đảm bảo sự đồng nhất trong thông tin về sản phẩm, tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp và kịp thời phát hiện các vấn đề trong chuỗi cung ứng để đưa ra giải pháp cụ thể. 
  • Doanh nghiệp cần có các buổi đào tạo, chia sẻ với các hợp tác xã/hộ nông dân/thương lái để nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức để sử dụng giải pháp. 
  • Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ/nhỏ hoặc các hợp tác xã/hộ gia đình, có thể ghi nhận và truyền thông tin sử dụng nhật ký nông trại, file excel và email. 

Đối với hợp tác xã/hộ nông dân

  • Hợp tác xã/hộ nông dân có kết nối với các doanh nghiệp lớn hoặc vừa cần tận dụng ứng dụng của các doanh nghiệp để ghi nhận và truyền thông tin truy xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả. 
  • Đối với nông sản trực tiếp ra chợ, hợp tác xã/hộ nông dân có thể xem xét đăng ký thông tin về nguồn gốc sản phẩm và cung cấp thông tin này cho các tiểu thương ở chợ thay vì đăng ký mã vạch.

Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là xu hướng nhất thời mà công cuộc số hóa còn mang lại những lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp doanh nghiệp và hộ sản xuất/kinh doanh nhỏ, từ quản trị điều hành đến chiến lược kinh doanh. Qua đó giúp doanh nghiệp xóa nhòa khoảng cách, tăng cường sự chính xác và minh bạch, tăng doanh thu đồng thời giảm chi phí… Như vậy, chuyển đổi số có thể thay đổi hoàn toàn cục diện doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng lột xác, vươn lên thành “cá lớn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như thế giới.

Chi tiết tại nguồn: https://digital.business.gov.vn/giai-phap-truy-xuat-nguon-goc-doi-voi-doanh-nghiep-va-ho-san-xuat-kinh-doanh-nho/

Tác giả: qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay1,181
  • Tháng hiện tại16,454
  • Tổng lượt truy cập2,282,800
chuyển đổi số
văn bản pháp luật
góp ý dư thảo
Hệ thống tiếp nhận
cải cách thủ tục hành chính
Lấy ý kiến văn bản dự thảo
hỏi đáp
tuyên truyền phổ biến pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây