Thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong nghiệp vụ hoạt động của một số doanh nghiệp Việt Nam

Thứ ba - 25/06/2024 14:32 1.398 0
Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu trên 1.000 doanh nghiệp trên cả nước trong nhiều lĩnh vực như Công nghiệp chế biến, Chế tạo, Khai khoáng, Bán buôn và bán lẻ, v.v. Trong số này, các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với số lượng nhân sự dưới 500 người, chiếm tỷ lệ 96,7%. Từ dữ liệu thu thập được, Chương trình đã tổng hợp, phân tích thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong nghiệp vụ hoạt động của một số doanh nghiệp Việt Nam

1. Thực trạng ứng dụng công nghệ số trong nghiệp vụ hoạt động

1.1. Vị trí của doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi số

Theo kết quả khảo sát, đa phần doanh nghiệp đã có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết của việc tiến hành chuyển đổi số, nhưng chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Các doanh nghiệp chủ yếu đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra nên đã ngừng sử dụng, hoặc vẫn đang sử dụng nhưng còn gặp khó khăn, chưa thực sự thuận lợi. Cụ thể:

48.8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp CĐS nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng giờ không còn nhu cầu. Lý do khác cho thực trạng này là việc các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu và chiến lược CĐS đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ CĐS cả về lượng và chất. Điều này thể hiện rõ khi chỉ có 6.2% đã hoàn thành xác định mục tiêu CĐS và chỉ 7.6% đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn và dài hạn để chuyển đổi số.

35.3% doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống). Đây là hoạt động quan trọng để tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. 

Chỉ một tỉ lệ nhỏ các doanh nghiệp (2.2%) đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ. Tỷ lệ trực trạng ứng dụng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp được mô tả như trong hình 1 dưới đây.

Hình 1: Vị trí của doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi số

 

1.2 Thực trạng ứng dụng công nghệ số trong một số trong các nghiệp vụ hoạt động

Kết quả khảo sát cho thấy, công nghệ trước hết thường được doanh nghiệp áp dụng vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của doanh nghiệp như: hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Cụ thể, ngoài hai hình thức bán hàng truyền thống là bán hàng trực tiếp tại cửa hàng/ điểm bán và bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến hơn trước đây do sự hỗ trợ và tham gia đặc lực của nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki,…) và các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo và gần đây là Tiktok) với tỉ lệ đa số doanh nghiệp triển khai bán hàng đa kênh.

Hình 2: Tỷ lệ hình thức bán hàng của doanh nghiệp (%)

 

Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp được khảo sát thực hiện CĐS mang tính khá rời rạc, nhằm quản lý từng chức năng hoạt động riêng rẽ như vận chuyển hàng hoá, kho hàng, bán hàng, nhân sự và kế toán mà thiếu đi sự kết nối mang tính đồng bộ. Trên thực tế, khoảng 20 -30% doanh nghiệp được khảo sát là có ứng dụng công nghệ số trong một số nghiệp vụ một cách thường xuyên. Ví dụ:

  • Về hoạt động quản lý xe, vận chuyển hàng hoá, có trên 60% doanh nghiệp mới chỉ sử dụng phần mềm số ở mức rất ít hoặc thậm chí hiếm sử dụng. Khoảng 23% doanh nghiệp ứng dụng thường xuyên ở mức độ cao.
  • Nghiệp vụ kế toán là nơi diễn ra mức độ chuyển đổi số cao hơn cả với trên 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Và như đã giải thích ở trên, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều tập trung chuyển đổi số ở các khía cạnh mà mang lại hiệu quả trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của tổ chức. Vì thế, kế toán là một trong những nghiệp vụ được ưu tiên hàng đầu bởi doanh nghiệp trong quá trình CĐS. Tuy nhiên, vẫn còn đến 33% doanh nghiệp vẫn còn chưa biết khai thác các phần mềm công nghệ số cho dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ.
  • Hơn 40% doanh nghiệp hầu như không/ít sử dụng phần mềm số trong quản lý kho hàng, quản lý đơn hàng, khách hàng hay thậm chí là trong quản lý nhân sự.
    Hình 3: Mức độ sử dụng phần mềm trong các hoạt động của doanh nghiệp (%)

 

1.3. Mức độ đầu tư cho chuyển đổi số

Kết quả khảo sát cho thấy, chưa đến 40% các doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu CĐS từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp CĐS. Trong khi đó, có đến 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Đáng lo ngại có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS. Trên thực tế việc thiếu ngân sách dành cho CĐS cũng là thách thức phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV.

Hình 4: Ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số của doanh nghiệp (%)

 

2. Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp

Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp có sự tự tin về kiến thức cho chuyển đổi số nhưng lại không thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ ở hầu như tất cả giai đoạn chuyển đổi số, từ giai đoạn nền tảng ban đầu của quá trình như chuẩn hoá các quy trình hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho đến giai đoạn triển khai thực hiện hay tiếp nhận các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số.

Hình 5: Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp (%)

 

Một trong các nguyên nhân lý giải cho điều này bởi sự hạn chế về nguồn nhân lực nội bộ chuyên trách để triển khai chuyển đổi số. Cụ thể, 56,3% doanh nghiệp được khảo sát có dưới 3 nhân sự phụ trách lên kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số, và 43,7% doanh nghiệp được khảo sát có dưới 3 nhân sự làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin (IT).

Hình 6 (bên trái): Số lượng nhân sự phụ trách chiến lược CĐS của doanh nghiệp (%) và Hình 7 (bên phải): Số lượng nhân sự làm trong bộ phận IT của doanh nghiệp (%)

 

Qua khảo sát và các số liệu trên, có thể thấy rằng các doanh nghiệp đã có những ý thức nhất định về tầm quan trọng của chuyển đổi số, cũng như bắt đầu tiến hành áp dụng công nghệ vào trong quy trình vận hành, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản như chưa tìm được ứng dụng công nghệ phù hợp để áp dụng; thiếu vốn; chưa được hỗ trợ về tư vấn, xây dựng lộ trình; v.v. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt vẫn còn một chặng đường dài trước mắt phải vượt qua để có thể chuyển đổi số thành công.

Nguồn: Báo cáo thường niên Chuyển đổi số 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, online: https://digital.business.gov.vn/thuc-trang-va-nhu-cau-ung-dung-cong-nghe-so-trong-nghiep-vu-hoat-dong-cua-mot-so-doanh-nghiep-viet-nam/

Tác giả: qu?n tr?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập120
  • Hôm nay691
  • Tháng hiện tại36,417
  • Tổng lượt truy cập2,442,511
chuyển đổi số
văn bản pháp luật
góp ý dư thảo
Hệ thống tiếp nhận
cải cách thủ tục hành chính
Lấy ý kiến văn bản dự thảo
hỏi đáp
tuyên truyền phổ biến pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây