Thực hiện Kế hoạch số 141-KH/BCSĐ, ngày 26/5/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh xây dựng Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 06/6/2022 về tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012; nội dung tổng kết bám sát Công văn số 142-CV/BCSĐ, ngày 26/5/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng báo cáo đề án trình Bộ Chính trị, viết chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu và các tham luận thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW; Hội nghị tổng kết được thực hiện bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chủ trì Hội nghị là đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Kết quả phát triển kinh tế của địa phương, giai đoạn 2005-2020 tóm lược qua các chỉ số sau:
GRDP năm 2020 của tỉnh đạt 87.686 tỷ đồng (tăng 7,6 lần so với năm 2005).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2010; 2011-2015; 2016-2020 đạt lần lượt là 12,8%, 7,4% và 7,3%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2020 cơ cấu trong GRDP của 3 ngành Nông – lâm – thủy sản; Công nghiệp – xây dựng và dịch vụ lần lượt là 21,6% - 43,3% và 30,1%.
Cơ cấu lao động tương ứng theo 3 ngành lần lượt là 28,4% - 32,6% và 40%.
* Về Thu, chi ngân sách:
- Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2005-2020 đạt 79.567 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 14%.
- Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2005-2020 đạt 106.040 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 14,5%.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 4.246 nghìn đồng/người/tháng (cả nước 4.250 nghìn đồng/người/tháng), tăng 2 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người tỉnh Tây Ninh bằng 70,5% mức bình quân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng KTTĐ phía Nam: 6.025 nghìn đồng/người/tháng), đạt mục tiêu Tỉnh ủy đề ra tại Kế hoạch số 13-KH/TU ngày 27/7/2006.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 của tỉnh đạt 3.210 USD/người, tăng 4,1 lần so với năm 2005.
Năm 2020, năng suất lao động đạt 129,5 triệu đồng/lao động (năm 2005 đạt 18 triệu đồng/lao động). Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng đạt giá trị cao nhất ở mức 170,5 triệu đồng/1 lao động.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,9, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước trong cùng giai đoạn là 6,1. Bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020, ICOR của tỉnh ở mức 6,8 (cả nước 7,04).
Năng suất tổng hợp các nhân tố bình quân: Tốc độ tăng TFP của Tây Ninh bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 2,28%; đạt cao hơn so với bình quân cả nước (1,79%), còn tỷ phần đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng chung thì ở mức tương đương (30,62% so với 30,30%).
Về Năng lực cạnh tranh của địa phương.
a) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh Tây Ninh xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (64,16 điểm), so với năm 2006 (đạt 47,31 điểm).
b) Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin truyền thông (ICT Index): Trong vòng 10 năm, xếp hạng ICT Index của Tây Ninh đã cải thiện từ thứ hạng 34 lọt vào nhóm 10 tỉnh thành thứ hạng cao của cả nước.
c) Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Năm 2020, Chỉ số PAPI của Tây Ninh xếp hạng thứ 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 31 bậc so với năm 2016, xếp vào nhóm thấp nhất gồm 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.
d) Chỉ số Cải cách Hành chính PAR – INDEX: Năm 2020, Tây Ninh đạt 84,59 điểm, xếp thứ 27/63 - tăng 4,54 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2019 (năm 2019 đạt 80,05 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương). So với các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ, chỉ số PAR Index Tây Ninh xếp hạng 4/6, sau các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
e) Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS): Năm 2020, chỉ số SIPAS của Tây Ninh xếp thứ 4/6 tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ (đứng sau Bình Dương và Đồng Nai) và xếp thứ 40/63 tỉnh thành. Mặc dù chỉ số SIPAS của Tây Ninh có cải thiện qua các năm nhưng nhìn chung vẫn thuộc nhóm thấp trên cả nước.
Đánh giá về phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công: Tổng số vốn đầu tư công phân bổ năm 2020 là 4.938.814 triệu đồng, tăng 4.559.983 triệu đồng so với năm 2005 là 378.831 triệu đồng; Giai đoạn 2005-2020 là 25.503.832 triệu đồng (trong đó: giai đoạn 2005-2010 là 1.576.195 triệu đồng; giai đoạn 2011-2015 là 9.730.840 triệu đồng; giai đoạn 2016-2020 là 14.196.979 triệu đồng).
Đánh giá về nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách: Tổng số vốn đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển địa phương năm 2020 đạt 34.951 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm 2005. Các giai đoạn 2005-2010; 2011-2015; 2016-2020 lần lượt đạt 38.484 tỷ đồng, 87.692 tỷ đồng và 141.060 tỷ đồng.
Đánh giá về tổ chức thực hiện các Quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn của các ngành, lĩnh vực tại địa phương, giai đoạn 2005-2020.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2044/QĐ-TTg ngày 09/11/2010. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo đôn đốc các ngành khẩn trương hoàn thành các dự án quy hoạch ngành, lĩnh vực nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng của quy hoạch tổng thể. Nhiều chương trình, dự án được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để quy hoạch thực sự định hướng lâu dài cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và của từng ngành, lĩnh vực nói riêng; từng mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch làm cơ sở để các ngành cụ thể hóa bằng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm; từng công trình, dự án đề ra trong quy hoạch làm cơ sở cho việc kêu gọi thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lượng quy hoạch được phê duyệt nhiều nhưng chưa phát huy tối đa hiệu quả, chất lượng của nhiều quy hoạch chưa cao thể hiện ở việc các quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, một số quy hoạch ban hành chưa được bao lâu đã phải điều chỉnh, một số quy hoạch không đảm bảo nguồn lực để thực hiện (vốn, đất đai, lao động...). Một số hướng dẫn từ Bộ, ngành Trung ương còn chồng chéo gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, đến năm 2020: Quy hoạch tổng thể vùng KTTĐ phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/02/2014. Theo quy hoạch Vùng, Tây Ninh thuộc tiểu vùng Tây Bắc, phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp từ các địa phương khác. Đồng thời, khai thác lợi thế khu kinh tế cửa khẩu; mở rộng và nâng cao các loại hình dịch vụ; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi trang trại; xây dựng khu dân cư biên giới gắn với quốc phòng an ninh. Tuy nhiên đến nay, các dự án công nghiệp quy mô lớn dịch chuyển về tỉnh Tây Ninh còn rất ít, chưa có nhiều dự án công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại; sự chuyển dịch lao động chậm, còn mang tính chất thâm dụng lao động và tài nguyên.
Ý kiến bạn đọc