Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;
Căn cứ Quyết định số 2574/QĐ-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023;
Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, khóa X, kỳ họp thứ 6 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2023;
Căn cứ Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, khóa X, kỳ họp thứ 6 về phân bổ ngân sách địa phương năm 2023;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số /STC-QLNS ngày 09/12/2022.
Điều 1. Giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau:
1. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN)..... 11.000.000 triệu đồng, gồm:
- Thu nội địa ........................................................ 9.600.000 triệu đồng.
- Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ........................ 1.400.000 triệu đồng.
(Kèm theo phụ lục I, I.1 và I.2)
2. Tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP).... 11.169.251 triệu đồng, gồm:
a) Chi cân đối NSĐP:..................................... 9.742.949 triệu đồng, gồm:
- Chi đầu tư phát triển:............................................ 3.349.426 triệu đồng.
- Chi thường xuyên:................................................ 6.198.923 triệu đồng.
- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương:............... 1.000 triệu đồng.
- Dự phòng ngân sách:............................................... 193.600 triệu đồng.
b) Chi các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ: ........... 1.426.302 triệu đồng.
(Kèm theo phụ lục II)
3. Tổng mức vay ........................................................ 63.000 triệu đồng.
Trong đó: vay bù đắp bội chi:...................................... 63.000 triệu đồng.
4. Chi trả nợ gốc và lãi vay của ngân sách địa phương năm 2023 là 7.297 triệu đồng, bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư, gồm: Chi trả nợ gốc là 6.038 triệu đồng, chi trả lãi là 1.259 triệu đồng.
Điều 2.
1. Giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 cho các đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp tỉnh.
(Kèm theo phụ lục III, IV, IV.1 và IV2)
2. Giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương cho các huyện, thị xã, thành phố năm 2023.
(Kèm theo các phụ lục V, VI, VII và VII.1)
Điều 3. Triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023
1. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
2. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi quản lý được giao, có nhiệm vụ:
a) Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đảm bảo đúng đối tượng theo quy định của pháp luật, thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm các quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới;…; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.
b) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh cơ chế khoán chi, đấu thầu, đặt hàng gắn với trách nhiệm giải trình; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn. Nghiên cứu điều chỉnh định mức kinh phí, ưu tiên bố trí bảo đảm công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nhất là trong lĩnh vực giao thông.
Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phương án tự chủ tài chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; ban hành đầy đủ định mức kinh tế, kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ công, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công để làm căn cứ xây dựng đơn giá, kế hoạch đặt hàng và giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
c) Tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương:
- Các cơ quan, đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các quy định về tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2023 theo quy định từ: một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2022 còn dư chuyển sang (nếu có); đồng thời, dành 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2022 để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2023.
- Các huyện, thị xã, thành phố khi xác định tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2023 so với dự toán năm 2023 (không kể thu tiền sử dụng đất) để tính chi tạo nguồn cải cách tiền lương, loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (nếu có); thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
3. Các huyện, thị xã, thành phố:
a) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối ngân sách địa phương và số bổ sung có mục tiêu giữa các cấp ngân sách ở địa phương. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương được chủ động bố trí cơ cấu chi ngân sách địa phương năm 2023 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển.
b) Trong điều hành tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, trường hợp địa phương có nguồn thu cân đối ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao do nguyên nhân khách quan phải chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp khác của mình, rà soát, sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
c) Đảm bảo bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa phương cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
d) Sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh (nếu có), nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để: thực hiện chế độ, chính sách do Trung ương và tỉnh ban hành, đảm bảo phân bổ đúng chính sách, chế độ, chi trả kịp thời, đúng đối tượng; chi thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ thuộc trách nhiệm địa phương theo phân cấp; chi cho các lực lượng của địa phương tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
đ) Thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2023; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành.
e) Trong phân bổ ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2021-2025 thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương.
Điều 4. Tổ chức thực hiện.
1. Giao Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách tại Điều 1 theo đúng quy định.
2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc phân bổ dự toán và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc và đơn vị sử dụng ngân sách tại Điều 2 theo đúng quy định. Căn cứ dự toán được giao, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 và tổ chức việc công khai dự toán ngân sách đúng quy định; Báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả phân bổ, giao dự toán ngân sách để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; Tổ chức thực hiện dự toán được giao theo đúng quy định.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2023 và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán và phân bổ ngân sách. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng nhân dân quyết định dự toán ngân sách, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố giao dự toán ngân sách năm sau cho từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình và cấp dưới; đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tài chính về dự toán ngân sách đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc nhà nước Tây Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
Ý kiến bạn đọc