BÁO CÁO
Kết quả thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
giai đoạn 2016-2020, xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2021-2025
Thực hiện Công văn số 3688/BNN-KH ngày 02/6/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đánh giá kết quả thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư vào ngành nông nghiệp, nông thôn,
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Kết quả triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư
Tỉnh đã nghiêm túc triển khai và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, dành cho nhà đầu tư những ưu đãi phù hợp theo quy định và đảm bảo những lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, cụ thể:
- Thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020. Năm 2017, mặc dù có 04 Doanh nghiệp đề xuất dự án để thụ hưởng chính sách, nhưng do đây là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nên việc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính đầu tư xây dựng cơ bản là rất khó khăn, vướng mắc, các dự án do các doanh nghiệp đề xuất chưa đáp ứng thủ tục hồ sơ theo quy định, nên chưa có doanh nghiệp nào được thụ hưởng chính sách đặc thù của tỉnh.
- Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 về hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên do tính hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp nên chưa thu hút được nhà đầu tư theo mục tiêu chính sách đề ra.
- Thực hiện Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17/6/2019 quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 (thay thế Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017). Kết quả có 04 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí hỗ trợ 4,47 tỷ đồng; 04 dự án Hội đồng thẩm định đã trình UBND tỉnh; 02 dự án được các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan đã họp xét và đóng góp ý kiến; 16 dự án trồng trọt, chăn nuôi đang được cơ quan chuyên môn hướng dẫn viết dự án.
- Thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 (thay thế Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 16/6/2017). Trong đó, quy định hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và ban hành Danh mục dự án khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
- Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh đã thực hiện sắp xếp các công ty nông nghiệp nhẳm tạo quỹ đất công thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo, đến nay đã phê duyệt Phương án sử dụng đất cho 05/07[1] công ty nông nghiệp; 02/07[2] công ty chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất, trong đó có 01 công ty chưa hoàn chỉnh phương án, 01 công ty đã có phương án nhưng hiện nay đề án này không còn phù hợp với tình hình hoạt động của Công ty.
- Thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 2355/QĐ-UBND ngày 30/10/2019 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP.
2. Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh thực hiện 10 hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí 1.383.265.400 đồng, trong đó: Ngân sách 1.105.665.400 đồng (80% tổng kinh phí chi từ ngân sách giai đoạn 2016-2020); xã hội hóa 277.600.000 đồng (chi tiết phụ lục 01 kèm theo). Kết quả: đã có 17 doanh nghiệp tham dự, thu hút 03 dự án FDI với vốn đăng ký 48.229.900 USD (Phụ lục 2 kèm theo), thu hút 40 dự án nông nghiệp trong nước với vốn đăng ký 3.608,59 tỷ đồng (phụ lục 3 kèm theo). Trong đó:
2.1. Hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài: Thực hiện tổng cộng 06 hoạt động đến Belarus, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil qua các hình thức như: tiếp xúc trực tiếp, tọa đàm, giao thương, Hội chợ, Hội thảo, khảo sát thị trường ...với tổng kinh phí 877.245.400 đồng chi từ ngân sách, chiếm 79,34% tổng kinh phí chi hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời gửi các tài liệu, thông tin về Tây Ninh đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam, thương vụ Việt Nam tại các nước để nhờ giới thiệu theo các kế hoạch của các Bộ: Ngoại giao, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với thành phố Gimhae và Chungju Hàn Quốc để phát huy tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương, góp phần năng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2.2. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước: Thực hiện 04 hoạt động, với tổng kinh phí 506.020.000 đồng (ngân sách 228.420.000 đồng, Xã hội hóa 277.600.000 đồng), tổng kinh phí chi hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng các mối quan hệ hợp tác, mời gọi đầu tư trong nước qua việc in ấn thông tin, dàn dựng các video clip... giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà đến các nhà đầu tư tiềm năng. Đến nay đã ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước.
Đã mời gọi các Tập đoàn, Công ty lớn đến đầu tư như: Công ty Cổ phần Lavifood đầu tư Nhà máy chế biến rau, củ, quả Tanifood và Công ty cổ phần sữa Việt Nam đầu tư Trang trại bò sữa Vinamilk, ...
3. Đánh giá cụ thể các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Trong giai đoạn 2016 -2020, Tỉnh đã thu hút 43 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó:
- Dự án FDI: 03 dự án, thuộc lĩnh vực phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi.
- Dự án trong nước: 40 dự án. Trong đó: có 34 dự án thuộc lĩnh vực phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi; 06 dự án thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản.
Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đều có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, góp phần tạo đòn bẫy cho các dự án khác có thể tiếp cận và đầu tư vào ngành nông nghiệp của tỉnh.
4. Đánh giá chung
Việc thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp chế biến sâu, nhất là trong chế biến sữa, thịt, rau, củ, quả còn hạn chế. Do vốn đầu tư các lĩnh vực này cao, trong khi có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường biến động…
Một số chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn nên khi triển khai hiệu quả thấp.
Quỹ đất công do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh sử dụng vào mục đích nông nghiệp còn hạn chế. Tiến độ sắp xếp các công ty nông nghiệp còn chậm, hiện chỉ có 02[3] nông trường quốc doanh được UBND tỉnh phê duyệt Phương án sử dụng đất và có diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý.
Hoạt động xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh lồng ghép trong Chương trình Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch, phân tán cho nhiều sở, ngành chủ trì thực hiện nên chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm cần thu hút, đồng thời các Sở, ngành tham gia xúc tiến đầu tư chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên thông tin cung cấp cho nhà đầu tư chưa đầy đủ; chưa có những hoạt động mang tính đột phá mạnh mẽ; chưa tạo được dấu ấn cho đối tác; nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế.
II. KẾ HOẠCH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2021-2025
1.1. Tiềm năng, thế mạnh
Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km, có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ với các trục giao thông quan trọng như đường Xuyên Á, quốc lộ 22B; … là cửa ngõ quan trọng trong giao thương quốc tế của các tỉnh trong vùng, sẽ mở ra những triển vọng lớn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung.
Nông nghiệp Tây Ninh năm 2019 chiếm khoảng 21,15% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với diện tích sản xuất nông nghiệp 270.000 ha chiếm 66,86% so với diện tích tự nhiên; số hộ sản xuất nông nghiệp gần 175.000 hộ, chiếm 77,4% số hộ trên địa bàn tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ngành trồng trọt chiếm 80% giá trị, chăn nuôi chiếm 13% giá trị ngành.
Là tỉnh có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhiệt đới: đất đai bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hòa, không bị hạn hán, lũ lụt. Năm 2019, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 270.000 ha bao gồm 115.000 ha trồng cây hằng năm và 154.800 ha trồng cây lâu năm; Tài nguyên đất gồm nhóm Đất xám (84,37%), Nhóm đất phèn (6,3%), các nhóm đất đỏ vàng, đất phù sa và các nhóm đất khác chiếm (9,33%), có thể phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi.
Nguồn nước mặt và nước ngầm khá dồi dào, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, với hoạt động của sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và công trình thuỷ lợi lớn nhất nước - hồ Dầu Tiếng, dung tích 1,5 tỷ m3, tưới trên 51.000 ha đất canh tác. Nguồn nước ngầm của Tây Ninh khá lớn, tổng lưu lượng nước ngầm có thể khai thác được 50 – 100 ngàn m3/giờ. Vào mùa khô, vẫn có thể khai thác nước ngầm, đảm bảo sản lượng cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
1.2. Cơ hội thu hút đầu tư
Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng, tạo điều kiện cho tỉnh Tây Ninh tiếp cận các đối tác đầu tư nước ngoài, các tiến bộ khoa học công nghệ.
Quá trình hợp tác, kết nối liên vùng giữa Tây Ninh và các tỉnh trong khu vực tạo điều kiện để Tây Ninh mở rộng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực ngoại tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Đột phá về nông nghiệp được tỉnh Tây Ninh xác định là một trong bốn chương trình đột phá chiến lược để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn từng bước được ban hành, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Các công ty nông nghiệp đang được sắp xếp để tạo quỹ đất công thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản sạch, công nghệ cao.
2. Định hướng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025
2.1. Quan điểm
Chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tàu đầu tư sản xuất, chế biến nông sản có giá trị gia tăng cao, phù hợp mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Doanh nghiệp giữ vai trò là "trụ cột" trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh các nông sản của tỉnh.
2.2. Lĩnh vực thu hút đầu tư của địa phương
Khuyến khích các dự án đầu tư theo danh mục các dự án khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (ban hành kèm theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh Tây Ninh).
2.3. Mục tiêu
Giai đoạn 2021-2025 thu hút được ít nhất 01 nhà máy sản xuất chế biến, bảo quản rau quả, cây ăn trái gắn với vùng nguyên liệu; 01 nhà máy chế biến, giết mổ gia súc hiện đại; 01 nhà máy chế biến thuỷ sản; 01 nhà máy chế biến sữa.
Xây dựng được 02-03 thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh.
Thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến năm 2025 có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương.
3.1. Cơ chế, chính sách
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải giáp để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh: cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm các chi phí không chính thức… để tạo sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế; chủ động điều chỉnh danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực trạng và xu hướng phát triển nông nghiệp của địa phương tại từng thời điểm.
Sớm sắp xếp các công ty nông nghiệp đang được sắp xếp để tạo quỹ đất công thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
3.2. Các hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Ban hành Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch tỉnh Tây Ninh, trong đó, quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa 03 lĩnh vực; kiểm tra giám sát; chính sách theo dõi, hỗ trợ sau xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch; chế độ báo cáo.
Sắp xếp lại các cơ quan xúc tiến của tỉnh theo hướng hiệu quả, đơn giản và tiết kiệm;
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Khuyến khích kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại, văn hóa. Khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Xây dựng và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh; đa dạng hoá hình thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư trên các lĩnh vực.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án thu hút đầu tư trong điều kiện hội nhập quốc tế.
[1] Công ty đã phê duyệt phương án sử dụng đất: 01 Công ty cổ phần, nhà nước không giữ cổ phần chi phối (Công ty Cổ phần Mía đường Tây Ninh); Công ty CP Cao su 1/5 Tây Ninh; Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh; Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên và Công ty TNHH MTV Thanh niên xung phong Tây Ninh.
[2] Công ty chưa phê duyệt phương án sử dụng đất: Công ty TNHH MTV 22-12 Tây Ninh; Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh.
[3] 02 công ty đã được phê duyệt Phương án sử dụng đất: Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Cao su 1-5 Tây Ninh.
Ý kiến bạn đọc