Thực hiện Công điện số 01/CĐ-BKHĐT ngày 03/4/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về biện pháp đảm bảo sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội và nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến ngày 14/6/2020 như sau:
1. Tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Các ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt "mục tiêu kép" với tinh thần chung là chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đồng thời có phương án thật cụ thể tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, cung cầu hàng hóa, sản phẩm thiết yếu; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của từng huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, tập trung kiểm soát chặt chẽ biên giới, thực hiện nghiêm túc việc cách ly 100% các đối tượng nhập cảnh tại các cửa khẩu. Đến nay, tỉnh vẫn đang chủ động và kiểm soát tốt dịch bệnh, chưa phát hiện lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19; không để phát sinh tình trạng chậm, trễ, nợ chế độ, chính sách. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể tình hình thu ngân sách trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để có phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời. Đảm bảo cân đối chi an sinh xã hội do dịch Covid-19.
Hoàn thành công tác phân khai chi tiết các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020. Triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đến 31/5/2020, thực hiện giải ngân vốn đạt 28,29% kế hoạch, ước giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 34,35% kế hoạch.
Đến ngày 12/6/2020, kim ngạch xuất khẩu thực hiện 2.659,2 triệu USD, đạt 62,0% so với kế hoạch (KH 2020: tăng 12%); kim ngạch nhập khẩu thực hiện 2.117,7 triệu USD, đạt 52,0% so với kế hoạch (KH 2020: tăng 12%).
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện rà soát, thống kê số khách hàng cho vay nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để thực hiện giải pháp hỗ trợ. Đến ngày 05/6/2020, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 356 khách hàng với tổng dư nợ là 939,8 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 2.554 khách hàng với tổng dư nợ là 4.426,1 tỷ đồng; số lãi đã được miễn, giảm là 8,95 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn lại suất thông thường, lũy kế từ 23/01/2020 đến 05/6/2020 với số tiền là 3.824 tỷ đồng cho 2.043 khách hàng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19;
Tổ chức Hội nghị tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào ngày 16/6/2020.
Tăng cường các giải pháp thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra tình hình lập hồ sơ, đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Thực hiện rà soát, nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận hồ sơ, việc giải quyết hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng đối tượng; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, nhất là các đối tượng nộp hồ sơ chưa đầy đủ.
Hướng dẫn các địa phương, đơn vị giải quyết chế độ cho các đối tượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trên tuyến biên giới.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, đảm bảo chặt chẽ, đặc biệt tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa 3 lực lượng công an, quân sự, biện phòng. Ngăn chặn có hiệu quả, đảm bảo 100% trường hợp nhập cảnh trái phép được phát hiện và xử lý.
2. Giải pháp
Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư theo các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát lại từng nhiệm vụ, biện pháp để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo các hoạt động giáo dục, văn hóa – xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lập hồ sơ hỗ trợ và chi trả đảm bảo theo đúng quy định cho các đối tượng chưa được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện việc gửi nhận liên thông 04 cấp chính quyền; chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến; đổi mới việc thực hiện cơ chế 01 cửa, 01 cửa liên thông trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Triển khai kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2020-2025 theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ. Tổ chức thực hiện kế hoạch cắt giảm đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Cập nhật các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương để triển khai thực hiện kịp thời theo quy định.
Tăng cường kiểm soát nhập cảnh và quản lý cách ly tập trung theo tinh thần Công văn số 3058/CV-BCĐ ngày 03/6/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Ý kiến bạn đọc